Lợi dụng đêm tối, một số đối tượng sử dụng tàu để khai thác, hút cát trên sông Hồng, đoạn chảy qua huyện Phúc Thọ mà không hề xin phép các cơ quan chức năng. Đề nghị Tòa soạn cho biết, hành vi khai thác cát trái phép bị xử phạt như thế nào?
Hành vi khai thác cát mà không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là hành vi khai thác cát (một loại khoáng sản) trái phép và phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 34 Nghị định 142/2013/NĐ-CP hành vi khai thác cát trái phép sẽ bị phạt như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Cụ thể: a) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó. Cụ thể: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 3 điều này. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 điều này.